GIÁO HỘI VIỆT NAM:

DIỄN BIẾN 2005

 

 

CÁO PHÓ về ĐỨC CHA ANRÊ NGUYỄN VĂN NAM

ĐỨC HỒNG Y CRESCENZIO SEPE, TỔNG TRƯỞNG BỘ PHÚC ÂM HÓA CÁC DÂN TỘC: Gặp Gỡ và Giảng Lễ CN II Mùa Vọng 4/11

THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC 57 TÂN LINH MỤC TẠI HÀ NỘI 29/11

Việt Nam được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI lập thêm Giáo Phận Bà Rịa 20/11

TƯỜNG TRÌNH VỀ CÔNG TÁC CỨU TRỢ NẠN NHÂN BÃO LỤT SỐ 7

PHƯƠNG HƯỚNG CỨU TRỢ NẠN NHÂN VÀ TÁI THIẾT CÁC VÙNG BÃO LỤT

XIN CỨU TRỢ NẠN NHÂN BÃO Số 7 tại VN

BẢN ĐÚC KẾT HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN LẦN THỨ 26 CỦA HĐGM VIỆT NAM

 

 

 

CÁO PHÓ

 

TRONG NIỀM TÍN THÁC VÀO ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

 

VĂN PHÒNG THƯ KÝ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

 

KÍNH BÁO

 

ĐỨC CHA ANRÊ NGUYỄN VĂN NAM

Nguyên Giám mục Giáo Phận Mỹ Tho

 

đã được Chúa gọi về lúc 4 giờ sáng, ngày 16 tháng 3 năm 2006

tại Trung tâm chỉnh hình Tp. Hồ Chí Minh

Hưởng thọ  84  tuổi 

 

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

 

- 17 GIỜ NGÀY 16 THÁNG 3 NĂM 2006 : NGHI THỨC TẨM LIỆM

-   9 GIỜ NGÀY 20 THÁNG 3 NĂM 2006 : THÁNH LỄ AN TÁNG

SẼ ĐƯỢC CỬ HÀNH TẠI KHUÔN VIÊN NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ GIÁO PHẬN MỸ THO, DO ĐỨC HỒNG Y GIOAN BAOTIXITA PHẠM MINH MẪN CHỦ SỰ.

Kính xin Quý Hồng y, Quý Đức cha, Quý cha, Quý Tu sĩ nam nữ và anh chị em tín hữu thương cầu nguyện cho linh hồn Đức cố Giám mục Anrê Nguyễn Văn Nam.

 
Trân trọng kính báo

Văn Phòng Thư Ký HĐGM VN, NGÀY 16 / 3 / 2006

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

 

 TOP

 

 

ĐỨC HỒNG Y CRESCENZIO SEPE, TỔNG TRƯỞNG BỘ PHÚC ÂM HÓA CÁC DÂN TỘC với 6000 NGƯỜI TRẺ, 1000 CẶP VỢ CHỒNG, NHỮNG NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ NHỮNG NGƯỜI CHĂM SÓC CÁC BỆNH NHÂN HIV-AIDS TẠI TRUNG TÂM VĂN HÓA CÔNG GIÁO TỔNG GIÁO PHẬN SÀIGÒN, CHIỀU CHÚA NHẬT 04.12.2005

Các bạn trẻ thân mến,

Các cặp vợ chồng thân mến,

Các bạn kém may mắn và các bạn đại diện cho đội ngũ phục vụ bệnh nhân thân mến,

Tôi đặc biệt sung sướng được gặp gỡ các bạn hôm nay tại Trung Tâm Văn Hóa này của Tổng Giáo phận. Tôi thân ái chào tất cả mọi người: các bạn trẻ, các cặp vợ chồng, các bạn ít may mắn và các bạn chăm sóc bệnh nhân HIV-AIDS.

Tôi hết sức cảm ơn các bạn về chứng tá làm xúc động lòng người và có tính xây dựng của các bạn.  Các bạn hãy tiếp tục dũng cảm sống đời sống Kitô hữu của mình, trung thành với Chúa Kitô và với Tin Mừng của Người, làm chứng nhân cho Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

VỚI CÁC BẠN TRẺ 

      Các bạn trẻ thân mến,

      Sự hiện điện của các bạn đem đến cho tôi một niềm vui rất lớn. Tuổi trẻ của các bạn khiến tôi cảm thấy mình cũng như được trẻ ra. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II  đã thiết lập Ngày Giới Trẻ Thế Giới, vì Ngài xác tín rằng người trẻ là niềm Hy Vọng của thế giới và của Hội Thánh. Ngài nói rằng khi Ngài gặp gỡ giới trẻ Ngài có cảm tưởng mình trẻ trung hơn. Các bạn biết rằng Hội Thánh, các Chủ Chăn nhìn các bạn với lòng tin tưởng và thương yêu, vì  các bạn trẻ là tương lai của Hội Thánh và của Đất Nước các bạn. Hội Thánh và các Chủ Chăn tin tưởng rằng các bạn sẽ tìm ra sức mạnh và niềm vui, rằng các bạn sẽ không bị cám dỗ …"bị lôi cuốn bởi các triết thuyết của lòng ích kỷ và hưởng lạc hay triết thuyết của sự tuyệt vọng và của hư không; và đối diện với chủ nghĩa vô thần, hiện tượng chán chường và già nua, các bạn sẽ khẳng định niềm tin của mình trong cuộc sống và trong những gì làm cho cuộc sống có ý nghĩa: xác tín về sự hiện diện của Thiên Chúa công bình và tốt lành" (Sứ điệp của Công đồng Vaticanô đệ II gửi cho người trẻ).

 

       Công đồng Vaticanô đệ II khuyến khích  "Cá́c bạn hãy mở rộng tấm lòng với mọi  chiều kích của thế giới, lắng nghe tiếng kêu gọi của anh chị em mình và hãy đem năng lực trẻ trung của các bạn ra phục vụ họ. Các bạn hãy chiến đấu chống lại mọi thói ích kỷ. Các bạn đừng để các bản năng bạo lực, hận thù tự do hoạt động. Đó là những bản năng gây ra các cuộc chiến và hàng chuỗi những khốn cùng. Các bạn hãy sống quảng đại, trong sạch, biết kính trọng và thành thực. Và trong niềm phấn khởi, các bạn hãy xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thế giới của các bậc cha anh."  Tôi muốn thêm:  "Các bạn hãy yêu mến Quê Hương của các baṇ; các bạn hãy là những công dân tốt nhất của Tổ Quốc các bạn; các bạn hãy yêu mến Hội Thánh và hãy là những người Công giáo hoàn hảo nhất của Hội Thánh ở Việt Nam."

 

      Tôi biết các bạn phải bận tâm vất vả như thế nào để có được việc làm, để có một tương lai, một đời sống tốt đẹp hơn đời sống của cha mẹ và anh chị các bạn. Các bạn có lý: Các bạn phải đem hết sức lực ra để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn và một xã hội nhân bản và công bằng hơn. Nhưng đồng thời các bạn hãy nhớ Lời của Chúa: "Vì thế anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho" (Mt 6,31-34).

 

VỚI CÁC CẶP VỢ CHỒNG

 

       Các cặp vợ chồng thân mến, 

       Các anh các chị cũng luôn ở trong suy nghĩ  và trái tim của Hội Thánh. Hiến chế "Vui Mừng và Hy Vọng" của Công đồng Vaticanô đệ II dạy chúng ta rằng: "Sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội nhân loại và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đồng hôn nhân và gia đình" (VMvHV  47,1). "Phẩm giáa của định chế ấy không phải ở đâu cũng sáng tỏ như nhau vì đã bị lu mờ bởi chế độ đa  thê, nạn ly dị, bởi cái mà người ta gọi là tự do luyến ái cùng những hình thức lệch lạc khác.Hơn nữa tình yêu hôn nhân rất thường bị hoen ố vì lòng ích kỷ, khoái lạc chủ nghĩa và những lạm dụng bất hợp pháp cản trở sự sinh sản. Ngoài ra các hoàn cảnh hiện tại về kinh tế, xã hội, tâm lý và chính trị đang gây cho gia đình những xáo trộn trầm trọng" (VMvHV  47,2). Các bạn hãy trung thành với các bổn phận của bậc vợ chồng, đón nhận con cái như những chúc lành mà Thiên Chúa ban cho, giáo dục chúng nên người công dân tốt và thành người Công giáo tốt.

 

     Chúa Giêsu của chúng ta đã chúc phúc dưới nhiều khía cạnh khác nhau, cho tình yêu vợ chồng là tình yêu bắt nguồn từ chính Tình Yêu của Thiên Chúa và đã được thiết lập theo hình ảnh của sự kết hiệp của Chúa Kitô với Hội Thánh.

 

      Các bạn thân mến,

      Các bạn hãy tiếp tục gìn giữ hình ảnh ấy, các bạn hãy thánh hiến các thành viên của gia đình, bằng cách noi gương bắt chước Thánh Gia Nadarét.

 

 

VỚI CÁC BẠN KHUYẾT TẬT & CÁC BẠN CHĂM SÓC BỆNH NHÂN HIV-AIDS

 

     Các bạn khuyết tật thân mến,

     Các bạn tham dự vào cuộc Khổ Nạn và những đau khổ của Chúa Giêsu Kitô. Như Chúa Giêsu, các bạn vác Thập Giá và "tội lỗi của nhân loại"  và tội lỗi của chúng tôi. Các bạn có thể nói như Thánh Phaolô: "Hiện nay tôi cảm thấy niềm vui của tôi trong các khổ đau mà tôi đang chịu vì anh em và tôi bổ sung trong thân xác tôi những gì còn thiếu trong những thử thách của Chúa Kitô cho Hội Thánh là Thân Thể Ngườì".  Chúng tôi cám ơn các bạn đã chấp nhận hy sinh này cho chúng tôi là người có tội và cho Hội Thánh. Chúng tôi cám ơn các bạn đã chấp nhận Thánh Ý Thiên Chúa. Chúng  tôi cám ơn các bạn vì các bạn đã nhắc cho chúng tôi nhớ rằng qua thập giáa, đau khổ mà chúng ta đạt tới vinh quang của Chúa chúng ta. Riêng tôi, tôi muốn cám ơn các bạn về lòng dũng cảm và chứng tá đức tin của các bạn.

 

      Các bạn chăm sóc bệnh nhân HIV-AISD thân mến,

      Tình yêu thương mà các bạn dành cho những người bé nhỏ, các bệnh nhân, những người sống bên lề xã hội nhắc nhở cho chúng tôi nhớ rằng: dù thế nào chăng nữa, con người vẫn có phẩm giá làm người nên phải được kính trọng và có một giá trị độc nhất vô nhị trước mặt Chúa. Cám ơn chứng tá hùng hồn về tình yêu tha nhân của các bạn.

 

      Với các bạn tất cả,

      Tôi xin nói: Ước gì niềm tin và tình yêu mà các bạn dành cho Chúa Kitô đem đến cho tất cả mọi người sự hân hoan, niềm phấn khởi và xác tín rằng Chúa Kitô và Hội Thánh yêu thương các bạn và ở gần các bạn.

 

     Cám ơn.

 

+ HỒNG Y CRESCENZIO SEPE

 

Người dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

 

 

ĐỨC HỒNG Y CRESCENZIO SEPE, TỔNG TRƯỞNG BỘ PHÚC ÂM HÓA CÁC DÂN TỘC: BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT II  MÙA VỌNG NĂM B, TẠI  TRUNG TÂM VĂN HÓA CÔNG GIÁO TỔNG GIÁO PHẬN SÀIGÒN 04.12.2005 "HÃY DỌN DƯỜNG CHO CHÚA" (Is 40,1-5.9-11; 2 Pr 3,8-14; Mc 1,1-8)

 

Anh Chị Em thân mến trong Chúa Giêsu Kitô,

 

          I. Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật II Mùa Vọng mời gọi chúng ta dọn đường cho Chúa và đề nghị chúng ta suy gẫm về Gioan Tẩy Giả, Vị Tiền Hô của Chúa Cứu Thế.  Gioan Tẩy Giả là người mà Chúa Giêsu đã nói: "Cho đến thời ông Gioan, thì có Luật và các ngôn sứ, còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào" (Lc 16,16). Gioan cũng là người đã được nhắc đến trong lời sấm của ngôn sứ Isaia: "Có tiếng người hô trong sa mạc: "hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi" (Mt 3,3). Gioan  đã được gọi làm Tiền Hô cho Đấng Mêsia ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Việc loan báo việc ông sinh ra đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên: cha ông là Dacaria đã bị câm vì đã không tin lời của sứ thần Thiên Chúa. "Láng giếng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđa" (Lc 1. 65).

 

     Gioan Tẩy Giả đã thực thi ơn gọi làm Tiền Hô trong việc chuẩn bị một cách hết sức thầm lặng. Trước hết, ông lui vào trong hoang địa để chuyên tâm cầu nguyện, hãm mình và sám hối. "Ông Gioan Tẩy Giả mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong rừng." (Mc 1,6). Chúng ta biết rằng hoang địa biểu trưng cho sự từ bỏ hoàn toàn tất cả những gì bao vây con người, tất cả những gì không phải là Thiên Chúa. Hoang địa cũng là nơi mà con người không thấy gì khác ngoài sự yếu hèn, nhỏ bé, giới hạn, bất lực của mình trước sự  cao cả của thiên nhiên và của Đấng Tạo Dựng. Chính trong hoang địa mà Gioan Tẩy Giả nâng hồn lên tới Chúa và sống trong sự hiệp thông thân mật với Người để nhận lấy sức mạnh và để tận hiến cho con người sau này. Chỉ sau một thời gian chuẩn bị kỹ càng như vậy Gioan Tẩy Giả mới công bố Phép Rửa sám hối để được tha tội.

 

      Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi đám đông đến với ngài là hãy dọn đường cho Chúa. Chính Gioan đã làm gương đi đầu. Bằng chứ́ng tá sống động của mình, Gioan Tẩy Giả dạy chúng ta rằng những ồn ào của lễ lạc, cuộc sống xa hoa, tiện nghi không phải là nơi lý tưởng của việc loan báo Thiên Chúa; Cũng không phải là nơi lý tưởng để lắng nghe tiếng mời gọi sám hối và trở lại. Sống trong cảnh nghèo, Gioan Tẩy Giả giúp chúng ta hiểu rằng "chứng tá Kitô đích thực là hết sức cần thiết cho ngày hôm nay, vì con người thời nay tin các chứng nhân hơn là các thầy dạy" (Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, 42). Bằng đời sống khắc khổ, Gioan Tẩy Giả cũng giúp chúng ta hiểu rằng chính chứng tá của đời sống Kitô đích thực - là đời sống hoàn toàn giao mình cho Thiên Chúa trong sự hiệp thông không gì có thể làm đứt đoạn  và đồng thời cũng là đời sống hiến dâng cho con người với lòng nhiệt thành vô hạn - là phương cách đầu tiên của Công cuộc Phúc âm hóa (x. Loan báo Tin Mừng, 41). Vì chứng tá của Gioan Tẩy Giả là chứng tá khả tín và ăn khớp nên "mọi người từ khắp miền Giuđa và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan" (Mc 1,5).

 

          II. Khi chiêm ngắm sứ vụ Tiền Hô của Gioan Tẩy Giả, chúng ta biết rằng  Gioan Tẩy Giả đã sống sứ vụ của ông một cách sâu sắ́c đến hy sinh cả mạng sống. Ông nhìn nhận mình chỉ là một "tiếng kêu" trong hoang địa để dọn đường cho Đấng Mêsia sẽ đến sau nhưng mạnh mẽ và cao trọng hơn ông rất nhiều đến độ ông "không xứng để cởi dép cho Người". Tất cả cuộc sống và sứ mạng của Gioan  là dành riêng cho Đấng Mêsia. "Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi" Gioan đã nói thế. Chúa Giêsu càng ngày càng xuất hiện thì Gioan càng ngày càng tự nguyện biến đi. Dựa vào chỉ dẫn của ông, những môn đệ tốt nhất của Gioan đã đi theo Chúa Giêsu. Đó chính là sứ vụ, là cách sống và là con người của Gioan Tẩy Giả. Đó cũng là sứ vụ, cách sống và con người của chúng ta: "Tất cả cho Chúa!"

 

    Anh Chị Em thân mến,

     Chúng ta có bổn phận chỉ cho người khác biết Chúa Giêsu, chuẩn bị người khác để họ đi theo Chúa. Đó là cốt yếu của việc tông đồ mà chúng ta phải thực hiện trong cuộc sống đời thường: biểu lộ Chúa Giêsu cho bạn bè, cho người láng giềng. Điều quan trọng là Chúa Giêsu được nhận ra và đón rước là  "Đường, Sự Thật và Sự Sống". Đức Rất Thánh Trinh Nữ Maria, Nữ Tỳ của Thiên Chúa, chỉ cho chúng ta Con của Mẹ:  "Người bảo gì các anh cứ việc làm theo" (Ga 2,5), có nghĩa là anh chị em hãy đón rước Chúa Giêsu, hãy vâng lời Chúa Giêsu, hãy tuân giữ các giới răn của Người, hãy tin tưởng nơi Người. Người là phương án duy nhất của một cuộc sống thật sự thành công và hạnh phúc. Người cũng là nguồn mạch duy nhất về ý nghĩa cuộc đời của chúng ta (x. Đức Gioan Phaolô II, Đại hội Giới Trẻ thế giới lần III, Cử hành giáo phận, ngày 27.3.1988).

 

     Tất cả chúng ta đều được mời làm sứ giả của Chúa, làm người loan báo Chúa Kitô. Chúng ta được mời làm chứng, bằng lời nói và đời sống của chúng ta, cho một Chúa Kitô tốt lành, khiêm nhường, nghèo khó, nhân từ; một Chúa Kitô đã đến trần gian để thực thi Ý Cha, vâng lời Cha cho đến chết, chết trên cậy thập giá; một Chúa Kitô làm người và nhập thể vào thế giới, hoàn toàn nên giống mọi người trừ tội lỗi; một Chúa Kitô đến để hầu hạ chứ không phải để được hầu hạ; một Chúa Kitô bỏ 99 con chiên trong giàn để đi tìm một con chiên lạc; một Chúa Kitô gần gũi với những người thu thuế và tội lỗi để rao giảng Tin Mừng cho họ và đem họ trở về với Phúc Âm; một Chúa Kitô không lên án nhưng thứ tha và mời gọi tội nhân đừng phạm tội nữa. Nhưng trước hết, trước tất cả những điều tôi vừa trình bày, chúng ta đã chẳng phải tìm biết Chúa Kitô, yêu mến Người, noi gương bắt chước Người, sống với Người một Cuộc Sống Ba Ngôi nơi Người và cùng với Người biến đổi lịch sử cho đến khi hoàn thành trong Giêrusalem thiên quốc sao? (x. Bước vào Thiên Niên Kỷ Mới, 29).  

 

         III. Trong Mùa Vọng chúng ta được mời gọi san phẳng đường lối cho Chúa, nghĩa là dẹp tan lòng kiêu ngạo, sự chia rẽ, hận thù, bất hòa, giận dữ của chúng ta; là xóa bỏ ranh giới Bắc-Nam còn tồn tại trong não trạng của nhiều người trong chúng ta; cũng có nghĩa là tinh luyện tâm hồn chúng ta; là chiến đấu cho công lý, hòa bình, bác ái, cho tình huynh đệ và liên đới; là từ khước Satan, tội lỗi và tất cả những gì đưa chúng ta đến tội lỗi; là sống thánh thiện nơi thân xác và tâm hồn (1 Cr 7,34); cuối cùng là "sống thánh thiện trong cách ăn nết ở để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh" ( 1 Pr 1,15-16). Trong khi chờ đợi Chúa đến, Thánh Phêrô, trong đoạn thư mà chúng ta vừa nghe, kêu gọi chúng ta hãy làm tất cả để Chúa Kitô thấy chúng ta "tinh tuyền và không có chi đáng trách" ( 2 Pr 3,14). Đó là sự thánh thiện mà Đức Gioan Phaolô đệ II đáng kính nhớ coi là một cấp bách mục vụ trong thời đại chúng ta và ngài đã đề nghị làm ưu tiên số một về mục vụ của Thiên Niên Kỷ thứ III này (Bước vào Thiên Niên Kỷ mới, 30).

 

     Chúng ta không những là những Tiền Hô mà còn là những Chứng Nhân của Chúa Kitô nữa. Nhờ ơn Phép Rửa chúng ta đã nhận được vinh dự  và trách nhiệm làm chứng niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, bằng lời nói và việc làm. Thử hỏi chúng ta làm chứng Đức Tin Kitô của chúng ta như thế nào giữa các bạn đồng nghiệp, trong gia đình, nơi trường học và trong khu vực sinh sống? Thử hỏi chúng ta có đủ sức mạnh để thuyết phục được những người chưa tin Chúa không? thuyết phục được những người không yêu mến Chúa và những người có ý tưởng sai lạc về Người không? Đời sống của chúng ta có là chứng cứ hoặc ít ra là một dấu chỉ ủng hộ hay có lợi cho Chân Lý của Đạo Chúa Kitô không? Hội Thánh ở Việt Nam đã từng rất hãnh diện được xếp hàng thứ nhì sau Philippines về tỷ lệ người Công giáo, có còn giữ được chỗ đứng ấy không hay đã nhường chỗ ấy cho Giáo hội nào khác trong vùng?  Tiền Hô và Chứng Nhân, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm làm chứng và chỉ đường cho người khác đến với Chúa Giêsu. "Trách nhiệm của chúng ta rất nặng nề, bởi vì là chứng nhân của Chúa Kitô trước hết đòi chúng ta phải có một tác phong tương xứng với giáo lý của Người, tiếp đến đòi chúng ta phải chiến đấu để cách ăn nết ở của chúng ta làm người ta nhớ đến Chúa Giêsu và gợi lên hình ảnh rất dễ thương của Người. Cách sống của chúng ta phải làm sao đó để những người khác có thể nói: người đó đúng là một Kitô hữu, bởi vì ông/anh ta, bà/chị ta không ghen ghét, biết cảm thông, không bị lôi kéo bởi lòng nhiệt thành thái quá, làm chủ các bản năng của mình; vì ông/anh ta, bà/chị ta hy sinh chính bản thân và thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình và yêu thương người khác" (J. Escriva, E' Gesù che passa, 122).

 

      Bây giờ chúng ta hãy chuẩn bị đón rước Chúa vì Người sẽ đến trên bàn thờ này và trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy nguyện cầu Mẹ Maria, Mẹ các Kitô hữu, Mẹ chúng ta, để xin Mẹ dạy chúng ta biết phải chuẩn bị như thế nào cho xứng đáng đón rước Con Mẹ  và xin Mẹ chỉ cho chúng ta biết chúng ta phải chỉ cho người khác như thế nào để họ nhận biết Đấng Mêsia, Đấng Cứu Độ nhân loại. Amen.

 

 

+ HỒNG Y CRESCENZIO SEPE

 

Người dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

 TOP

 

 

THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC 57 TÂN LINH MỤC TẠI HÀ NỘI

 

29.11.2005. Đúng 9 giờ, Thánh lễ truyền chức linh mục mới chính thức bắt đầu. Vậy mà, ngay từ chiều tối hôm trước, nhiều giáo dân đã khăn gói quả mướp vượt những chặng đường xa tới tham dự. Họ đã vui vẻ tự chọn cho mình một đêm ngủ trong cảnh 'màn trời chiếu đất', theo đúng nghĩa đen của từ này. Lúc 5 giờ sáng, khi trời còn rất tối, ban trật tự bắt đầu làm việc, thì cũng là lúc những người tham dự đầu tiên đã chọn ngồi bệt ngay trên nền đường những tuyến phố xung quanh quảng trường Nhà thờ Chính tòa Hà Nội. Chúng ta không thể không cảm phục sự nhẫn nại, hi sinh ngồi liền 7 giờ đồng hồ để tham dự Thánh lễ của những tín hữu này. Cũng ngay từ 5 giờ sáng, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và Cha Giám Đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội Laurensô Chu Văn Minh đã ra chào thăm, động viên giáo dân tới sớm. Ngoài hàng chục ngàn tín hữu Công giáo, chúng tôi còn thấy nhiều đoàn đại biểu ngoài Công giáo tới tham dự. Thêm vào đó, có hàng chục phóng viên báo chí, truyền thanh, truyền hình trong và ngoài nước cũng đã tới đưa tin về Thánh lễ. Ngoài Nhà thờ Chính tòa, khuôn viên Tòa Tổng Giám mục, Đại Chủng viện, thì các tuyến đường phố Ấu Triệu, Nhà Thờ, Nhà Chung, Lý Quốc Sư và hàng Trống cũng đã trở thành những nơi cho tín hữu tham dự Thánh lễ.

 

Đúng 8 giờ 45, đoàn rước đòan đồng tế đã khởi hành từ Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, đi dọc theo theo Phố Nhà Chung, tiến ra lễ đài. Trong đòan rước hôm nay còn có sự hiện diện của đoàn cồng chiêng miền Hòa Bình thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội. Cộng đoàn vui sướng vỗ tay vang dội khi Đức Hồng Y Crescenzio Sepe và các Giám mục đi ngang qua.

 

9 giờ, Thánh lễ bắt đầu được cử hành bằng hai thứ tiếng Latinh và Việt Nam. Tất cả có hai Đức Hồng Y, 9 Giám mục và hơn 300 linh mục hiệp dâng Thánh lễ. Lời Chúa trong bài đọc thứ nhất được trích từ sách Isaia: xưa Ngôn sứ được xức dầu và được sai đi loan báo Tin Mừng. Hôm nay, qua việc đặt tay và xức dầu, các tân linh mục cũng được sai đi làm chứng và loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu cho mọi người. Bài Tin Mừng trích từ Phúc Âm Thánh Gioan: Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ và sai các ngài đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

 

Trong bài giảng, một lần nữa Đức Hồng Y khởi đầu bằng Việt ngữ "Xin chào tất cả anh chị em trong Chúa Kitô" trong tiếng vỗ tay vang dội của cộng đòan. Đức Hồng Y nói lên niềm vui sướng và vinh dự của Ngài khi được truyền chức linh mục cho 57 Thày Phó tế. Ngài khẳng định niềm tin vào Chúa Giêsu đã đến và đang hiện diện giữa chúng ta. Chúng ta sung sướng được gặp gỡ Chúa Giêsu vì chính Ngài đã hứa sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho tới tận thế.

 

Ngỏ lời với các tiến chức, Đức Hồng Y nói: ít phút nữa thôi, các con sẽ được long trọng lặp lại lời truyền phép Thánh Thể của Chúa Giêsu: Này là Mình Ta, Này là Máu Ta. Các con sẽ sống một đời sống mới, sẽ trở nên giống Chúa Kitô, sẽ tiếp tục làm những việc Chúa Giêsu đã làm khi Ngài ở trần gian như chữa lành, tha tội, xức dầu... để cho đòan chiên được sống và sống dồi dào. Các con là những người được kêu mời mạnh mẽ thực thi lệnh truyền của Chúa Giêsu là hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Các con sẽ làm linh mục cho những người Việt Nam trên đất nước hơn 80 triệu dân này. Rao giảng Tin Mừng bằng đời sống chứng tá linh mục, các con phải có Chúa Giêsu trong lòng. Không có Chúa trong lòng, thì chúng ta không thể trao ban Ngài cho ai được. Các con được kêu gọi yêu mến anh em mình hết lòng, hết sức, hết linh hồn; mến Chúa yêu người luôn là giới răn quan trọng nhất của chúng ta. Yêu thương là trao ban sự sống cho người mình yêu. Các con phải thể hiện sự yêu thương Giám mục của các con bằng tinh thần hiệp thông, kính trọng và vâng phục. Các con được Chúa trao ban cho thiên chức linh mục cao cả; các con hãy giữ gìn bảo vệ cẩn trọng ơn gọi ấy như là kho tàng quí giá nhất của mình. Các con hãy sung sướng, hạnh phúc vì ơn gọi mình đã chọn lựa và cũng có nghĩa vụ làm cho người khác sung sướng và hạnh phúc. Các con hãy ghi nhớ công ơn cha mẹ, những người đã sinh thành dưỡng dục các con.

 

Cuối bài giảng, Đức Hồng Y cầu xin Mẹ Lavang Việt Nam chuyển cầu cùng Chúa ban phúc lành cho tất cả mọi người. Đức Hồng Y gởi tới cộng đòan phép lành Tòa Thánh.

 

Tiếp theo là nghi thức truyền chức linh mục. Khi các tiến chức nằm phủ phục trước bàn thờ, tòan thể cộng đoàn sốt sáng hát Kinh cầu Các thánh nài xin Thiên Chúa, qua sự chuyển cầu của các thánh, đổ tràn ơn phúc Chúa Thánh Thần cho các vị tiến chức linh mục. Đức Hồng Y cùng các linh mục Tổng Đại diện lần lượt đặt tay trên đầu các tiến chức xin ơn Chúa Thánh Thần. Thật cảm động và vui mừng khi thấy các tiến chức xoay dây Stola từ chéo sang thẳng và mặc áo lễ mới. Các Phòng Hội đã chính thức trở thành linh mục Chúa Kitô. Các Đức Giám mục xức dầu, hôn chúc bình an và trao chén lễ cho các tân linh mục.

 

Phần hiệp lễ, các tân linh mục đã đi khắp các khu vực quảng trường trao ban Mình Thánh cho tín hữu. Cũng không kém phần cảm động và vinh dự khi Đức Hồng Y Crescenzio Sepe tự mình trao ban Mình Thánh cho các ông cố bà cố của các tân linh mục.

 

Sau đó, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, thay mặt tòan thể dân Chúa, cảm ơn Đức Hồng Y và Đức ông Barnabê Nguyễn văn Phương đã viếng thăm Giáo hội Việt Nam - một chuyến viếng thăm lịch sử. Đức Tổng Giám mục nói: Đây là dịp để Giáo hội Công giáo Việt Nam có cơ hội khơi lên niềm tin yêu và hi vọng; hàng chục ngàn tín hữu đã về đây qui tụ bên vị cha hiền yêu dấu. Đức Tổng Giám mục bày tỏ niềm vui mừng vì được ở trong Giáo hội phổ quát và hiệp thông diệu kì - một Giáo hội mà mọi người đều chung nhịp đập của con tim; vui vì là người Việt Nam - một dân tộc luôn được Tòa Thánh yêu thương, chuyến viếng thăm này là bằng chứng sống động về tình thương ấy. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: "Việt Nam ở trong trái tim của tôi". Trong Thánh lễ hôm nay, Đức Hồng Y không chỉ truyền chức linh mục cho 57 Thày Phó tế, mà còn gieo niềm vui và hi vọng vào tâm hồn mọi người. Chúng con xin Đức Hồng Y chuyển tới Đức Thánh Cha niềm tin yêu, tôn kính, vâng ohục của chúng con. Chúng con mong ước một ngày không xa, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm đất nước chúng con. Kính chúc Đức Hồng Y và Đức Ông dồi dào ơn Chúa; chúng con ước mong chuyến đi lần này thu được nhiều kết quả tốt đẹp và mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Chính Phủ Việt Nam sẽ tiến triển tốt đẹp. Kính thưa Đức Hồng Y, chúng con yêu mến Ngài.

 

Trong lời đáp từ, Đức Hồng Y nói sẽ không bao giờ quên Thánh lễ truyền chức linh mục long trọng này; các linh mục trẻ sẽ làm tươi trẻ Giáo hội Việt Nam. Chính ngài luôn yêu mến Việt Nam. Trong niềm vui , Đức Hồng Y đã vui mừng công bố Giáo phận Bùi Chu có Đức cha Phụ tá do Tòa Thánh chính thức bổ nhiệm hôm nay: cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, dòng Donbosco, hiện đang là Cha Giáo sư giảng dạy tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội. Toàn thể cộng đòan dân Chúa hết sức mừng vui, vỗ tay vang dội.

 

Cuối lễ, Đức Hồng Y ban phép lành Tòa Thánh cho cộng đoàn hiện diện và cho toàn thể đất nước Việt Nam.

 

Sau Thánh lễ, Đức Hồng Y và các Giám mục chụp ảnh lưu niệm với các tân linh mục. Và rồi, rất nhiều thân nhân, ân nhân, bạn hữu đon đả tiến lên lễ đài chúc mừng, chụp ảnh và tặng quà các tân linh mục.

 

Cảm tạ Thiên Chúa đã ban một hồng ân qua đỗi lớn lao cho Giáo hội Công giáo Việt Nam: Một tân Giám mục và 57 tân linh mục. Tin rằng, với tấm lòng phục vụ yêu thương tha thiết, các tân mục tử sẽ làm cho vườn hoa Giáo hội thật tươi thắm và ngát hương. Ước mong cho đời linh mục dâng hiến của họ luôn có niềm vui như một lễ truyền chức kéo dài. và chúng tôi cũng xin mượn lời Mẹ Têrêxa để gửi gắm các tân linh mục: Các cha hãy luôn dâng lễ sốt sắng như Thánh lễ mở tay, như Thánh lễ duy nhất và như Thánh lễ cuối cùng trong đời.

 

T. T (Công Giáo Việt Nam)

  TOP

 

Việt Nam được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI lập thêm Giáo Phận Bà Rịa

 

Theo cơ quan Tín Liệu Á Châu, hôm Chúa Nhật 20/11/2005, chính phủ Việt Nam đã loan báo rằng sẽ có một giáo phận mới ở Bà Rịa “vì có quá nhiều người Công giáo” ở giáo phận Xuân Lộc. Và Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Giám Mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc là Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, 63 tuổi, cai quản tân giáo phận này.

 

Các viên chức ở Hà Nội cho biết là quyết định này được thực hiện bởi Thủ Tướng Phan Văn Khải hôm 13/5/2005, “theo lời yêu cầu của Vatican và hội đồng giám mục Việt Nam”.

 

Giáo phận mới này rộng 1.975 cây số vuông (hay 762 dặm vuông), bao gồm 224.000 ngàn người Công giáo trong tổng số dân 908.000, với 191 vị linh mục và 598 tu sĩ. Tân giáo phận này là giáo phận thứ 26 ở Giáo Hội Việt Nam.

 

Cơ quan Tín Vụ Á Châu khẳng định là biến chuyển này cần có bởi con số gia tăng tín hữu ở một miền đã mang danh là “Vatican ở Việt Nam”. Biến chuyển này xẩy ra sau chuyến viếng thăm 27/6-2/7/2005 Rôma của một phái đoàn đại biểu Hà Nội, chuyến viếng thăm đầu tiên từ năm 1992.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo VIS và Zenit ngày 22/11/2005

 

 

 TOP

 

TƯỜNG TRÌNH VỀ CÔNG TÁC CỨU TRỢ NẠN NHÂN BÃO LỤT SỐ 7

     

K

ính thưa Quý Đức cha và Quý vị,Ngay sau khi được tin cơn bão số 7 (Damrey) tàn phá các tỉnh miền Bắc, vào ngày 27-9-2005, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM VN) và Uỷ ban Bác ái Xã hội (UB BAXH) thuộc HĐGM VN đã phát đi lời kêu gọi trợ giúp khẩn cấp các nạn nhân. Đoàn đại diện HĐGMVN và Uỷ ban đã đến tận nơi để thăm hỏi, tìm các biện pháp cứu trợ nạn nhân và tái thiết các vùng bị tàn phá sau cơn bão.

Đoàn gồm linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Thư ký thường trực của HĐGM VN kiêm Tổng Thư ký UB BAXH và anh Martinô Trần Tuấn Huy, Phó Tổng thư ký UB BAXH. Từ ngày 30-9 đến 3-10-2005, Đoàn đã đến các nơi bị thiệt hại tại các giáo phận Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hoá, Hải Phòng từ vùng cao bị lũ đến vùng thấp bị lụt, làm việc với các Đức cha và các cha phụ trách Ban Bác ái Xã hội của 4 giáo phận này và gửi những số tiền cứu trợ khẩn cấp cho 5 giáo phận Bùi Chu 5.000 USD, Phát Diệm 70 triệu đồng, Thanh Hoá 10.000 USD, Hải Phòng 30 triệu đồng+1.500 USD và Hưng Hoá 3.500 USD. Tổng trị giá là 420 triệu đồng. Số tiền cứu trợ khẩn cấp này chủ yếu để mua gạo cứu đói cho những nạn nhân cực kỳ nghèo khổ sau cơn bão, tương đương với hơn 100 tấn gạo. Sau đây là phần trình bày chi tiết chuyến đi và một vài đường hướng cho công cuộc cứu trợ, phục hồi các nạn nhân vùng bão.

  

1. Ngày 30-9-2005

Đến phi trường Nội Bài của Hà Nội lúc 9g sáng, chúng tôi đi cùng với cha Tôma A. Nguyễn Xuân Thuỷ, phụ trách Văn phòng Tổng Giám mục Hà Nội và cha Gioan Lê Trọng Cung về ngay xứ Phương Chính, xã Hải Hoà và Hải Triều, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Trước mắt chúng tôi là một con đê dài ngăn biển và đất liền nay đã bị phá nhiều chỗ, chỗ dài nhất 300-400m. Nước biển tràn vào nên các ao nuôi tôm, cua mất trắng. Các đồng lúa sắp gặt bị nước mặn ngập úng, theo dự đoán khoảng 3-4 năm nữa mới có thể phục hồi. Dọc theo con đê là những lỗ hổng lở sâu vì khi nước biển tràn vào, mặt lưng của đê không có bờ đá chắn sóng như mặt trước nên đã bị nước ngấm vào và sạt lở.

Khu nghỉ mát Thịnh Long nằm sát bờ biển bây giờ chỉ còn là một đống đổ nát. Những đợt sóng biển đưa cát vào sâu trong đất liền dày tới 10 cm. Con đường xi măng dọc theo bờ  biển cho ô tô đi lại ngày nào, nay đã bị xới lên từng mảng tựa như  tấm bánh đa (tráng)  vỡ nát. Các ngôi nhà gạch sát biển, cái đổ, cái còn, những cửa gỗ và vật dụng đã bị gió giật tung chỉ còn lại căn nhà trống hơ, trống hoác.

Xã Hải Hoà và xã Hải Triều có khoảng 20 ngàn dân đang bị đói, trong đó có 8.060 giáo dân vì bão và nước biển dâng cao đã cuốn đi lương thực dự trữ. Khi nghe tin đê vỡ và có lệnh di tản, họ chỉ kịp vơ vội ít quần áo và chạy lên nhà thờ Phương Chính là điểm cao nhất để tránh con nước dữ.

Với tình hình thiệt hại trầm trọng như thế, Toà Giám mục Bùi Chu đã gọi khẩn cấp cho chúng tôi tối hôm trước khi còn ở Thành phố Hồ Chí Minh để xin 12 tấn gạo cho những người dân vùng bão. Chính quyền địa phương cũng đã kịp thời cấp chomỗi người dân 4 gói mì và nước ngọt trong 4 ngày vừa qua. Chúng tôi đã chuyển ngay số tiền cho Đức cha Bùi Chu mua 20 tấn gạo (4 triệu đồng/tấn) để giúp cho 5 xứ đạo và toàn bộ người dân ở đây không phân biệt tôn giáo.

 

 

       Hình ảnh những người dân đang vội vã đắp lại những đoạn đê trọng yếu sát làng như thúc giục chúng ta cần giúp họ phục hồi cuộc sống. Theo dự đoán phải 2 tháng nữa mới có thể hoàn thành. Nhưng đó cũng chỉ là những bao cát chắp vá tạm thời. Chỉ cần một cơn bão nhỏ với sức gió cấp 7- 8 cũng đủ phá huỷ con đê một lần nữa. Còn muốn đắp đê với kè đá như cũ đòi hỏi một số tiền hàng chục tỷ đồng thì người dân địa phương không thể có được. Chính vì thế việc tái thiết các vùng này rất cần có sự giúp đỡ, đóng góp của các cơ quan cứu trợ quốc tế.

Rời xã Hải Triều lúc 16g, chúng tôi về tới Toà Giám mục Bùi Chu ở xã Xuân Ngọc lúc 17g30. Chúng tôi nghe Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm tổng kết tình hình dân số bị ngập lụt và các thiệt hại ở Bùi Chu để tìm ra một vài giải pháp cứu trợ hiệu quả. Tối đó chúng tôi được tham dự nghi lễ làm phép các tượng đài trong công trình Đức Mẹ Mân Côi và lần hạt cầu nguyện cho đồng bào đang bị nạn. 

2. Ngày 1-10-2005, 4g30 sáng, chúng tôi dậy sớm, tham dự thánh lễ chung với các chủng sinh, 200 tu sĩ và tập sinh thuộc 4 dòng tu đang có mặt để học tập và tĩnh tâm hàng tháng tại đây.

       7g sáng, chúng tôi rời Toà Giám mục Bùi Chu, đi đường tắt khoảng 60 km để sang thăm đồng bào ở Phát Diệm. 9g chúng tôi gặp Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến ở Toà Giám mục và ngài kể cho chúng tôi vài nét sơ lược về tình hình bão lụt tại các nơi: phía Công giáo có 67 nhà bị đổ, 840 ngôi nhà bị tốc mái hư hại, trong đó có một số nhà thờ. Toàn tỉnh Ninh Bình có 2 người chết, 22.822 hecta đất bị ngập úng; 970 hecta đầm tôm, cá bị ngập nước , 181 ngôi nhà đổ, 8.960 ngôi nhà bị tốc mái, 12 trường học bị đổ, 315 trường bị hư hại, 350 m đê sông Đáy bị sạt lở, rất may đê Bình Minh ngăn biển không bị vỡ.

9g30 chúng tôi cùng đi với Đức cha đến xứ Cồn Thoi, xã Kim Đồng, huyện Kim Sơn. Vùng đất bồi này nằm sát bờ biển với 10 ngàn dân cư nên chịu nhiều thiệt hại hơn so với các nơi khác. Dù đê không bị vỡ nhưng nước biển đã tràn khỏi mặt đê, ngấm sâu vào vùng trồng lúa đang trổ đòng nên 60% hoa màu bị mất. 2 ngàn hộ nuôi tôm, cua bị mất trắng do nước ngập trên 1 m. Nhà cửa tuy không thiệt hại nhiều, đồ dùng vẫn còn, nhưng nhiều mùa liên tiếp sắp tới sẽ bị “thất thu” vì nước mặn ngấm vào đất màu. Chúng tôi tới thăm xứ Kim Chung vừa mới thành lập với ngôi nhà thờ tạm thời mà mái tôn bị bay mất. 12g trưa chúng tôi trở về Toà Giám mục. Sau bữa ăn trưa vội vã, 13g30 chúng tôi lại lên đường đi thăm một số xứ đạo ở vùng cao thiệt hại vì lũ sau cơn bão.

Theo quốc lộ 12, chúng tôi ngược lên vùng cao đến xứ Vô Hốt (cha Antôn Đoàn Minh Hải là quản xứ), xã Lạc Vân, huyện Nho Quan. Giáo xứ này có hơn 8 ngàn giáo dân. Một ngày trước đó đường hãy còn bị ngập không đi được. Một số nhà bị sụp đổ, 110 nhà giáo dân bị hư hại. Chính quyền mới chỉ lên danh sách nhà bị đổ và chưa trợ giúp được gì. Cơn bão kèm theo mưa nhiều đã gây ngập úng ở nhiều nơi, có nơi lên cao 2 m. Hàng chục ngàn người lâm vào cảnh đói khổ vì lúa chưa gặt kịp. Do đó, ngoài số tiền đưa cho Đức cha Phát Diệm, chúng tôi không thể đành lòng nhìn nhiều người bị đói nên đưa thêm số tiền là 20 triệu để mua 5 tấn gạo cứu trợ cấp thời. Trên đường đi, chúng tôi không nén được xúc động khi nhìn thấy những cánh đồng lúa sắp gặt bị chôn vùi trong biển nước đang dần dần hư thối. Chúng tôi lần hạt liên tục cầu nguyện để xin Chúa và Đức Mẹ an ủi các nạn nhân trong cơn thử thách này.

Xứ Vô Hốt có 16 họ lẻ, chúng tôi đi trên mặt đê để đến thăm 2 họ Tứ Mỹ và Đồng Đinh. Nhờ những người địa phương dẫn đường chúng tôi mới thấy rõ hơn những thiệt hại lớn lao do cơn bão gây nên: cả cánh đồng hàng trăm mẫu biến thành biển nước. Những thân lúa ngập sâu dưới mặt nước nên ngay cả vịt cũng không thể kiếm ăn, mùa màng mất trắng. Nhiều chỗ đường xấu phải đi bộ, có chỗ xe bị ngập sâu trong bùn, kéo đẩy mãi mới đi được.

 

Sau khi đã vượt hơn 100km từ Nho Quan, 19g chúng tôi tới Toà Giám mục Thanh Hoá. Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu. Sau bữa ăn tối, chúng tôi bàn luận với ngài về những khó khăn và giải pháp để cứu các vùng bị lũ, từ 20g30 đến 23g30.

Thanh Hoá là tỉnh thiệt hại nặng nề vì đây là nơi tâm bão đi qua. Báo Tuổi Trẻ ngày 1-10-2005, tr.7, thông báo trong tổng số thiệt hại là 1.797 tỷ, Thanh Hoá đã chiếm: 747 tỷ, Nam Định: 517 tỷ, Thái Bình: 178 tỷ, Ninh Bình: 150 tỷ. Nhưng tính đến ngày 3-10, Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt Trung ương đưa ra con số thiệt là 3.393 tỷ (Báo Tuổi Trẻ, ngày 3-10-2005, tr.1).

3. Ngày 2-10-2005. Sau Thánh lễ Chúa Nhật, 7g15 sáng, chúng tôi đi lên các vùng cao bị lũ quét. Sau đoạn đường hơn 60km về phía Tây, chúng tôi đến xứ Phúc Địa, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, do cha JB. Trịnh Quốc Vương quản nhiệm. Xứ đạo gồm 7.300 giáo dân và 600 người không Công giáo. Vì đê bị vỡ nên nước tràn ngập đồng ruộng khiến nhiều ruộng lúa thất thu, 600 hecta mía bị gẫy ngọn và ngập úng nên thiệt hại khá nặng nề. Có đến 70% hộ dân ở đây bị trắng tay. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn an tâm vì lòng đạo và niềm tin của người dân ở đây rất mạnh. Dù đang đói khổ nhưng hơn 300 giáo lý viên trẻ vẫn đến nhà thờ để học hỏi giáo lý vào buổi sáng Chúa Nhật. Buổi chiều hơn 400 thiếu nữ và các bà mẹ trẻ kết hợp dâng hoa kính Đức Mẹ tại sân vận động xã. Nhà cửa không bị hư hại nhiều nhưng lúa và mía không còn, dân không tìm được gạo cho những tháng tới.

 

    Về lại Thanh Hoá lúc 12 g, chúng tôi ăn trưa cùng với Đức cha Thanh Hoá rồi đi thăm các nạn nhân vùng biển. Đến giáo xứ Đa Phạn, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc cách Thanh Hoá 40km về phía Đông, chúng tôi quan sát thấy vùng này có hàng trăm mét đê ngăn mặn bị vỡ. Nước biển tràn ngập đồng lúa, ao cá, vuông tôm. Những cánh đồng sắp gặt bây giờ thả mặc cho đàn vịt đến ăn trên những thân lúa sắp hư thối. Các khoảng đất trồng khoai lang bị “cháy” vì ngập mặn. Người dân đã được sơ tán kịp thời nên không thiệt hại về người nhưng đang lâm vào cảnh đói. Chính quyền đã kịp thời cấp 3 gói mì cho mỗi người trong những ngày bị bão, công tác cứu trợ khẩn cấp cần tiếp tục trong những ngày sắp tới vì thiệt hại lớn lao.

 HĐGM VN và UB BAXH đã gửi tới số tiền tương đương với 40 tấn gạo và chuyển ngay một số bao gạo cho những người đang đói. Đức cha Thanh Hoá và chúng tôi nghĩ đến việc ra đi của những người trẻ. Họ có thể sẽ ra Hà Nội hoặc xuôi vào Nam để kiếm việc làm. Nhưng những người nông dân trẻ ấy sẽ làm gì khi không biết một nghề nào, ngoài việc cầm cái cuốc cái cày? Có lẽ họ chỉ trôi dạt vào các thành phố lớn để làm thợ hồ cho những công trường xây dựng để mặc những người chủ thầu vắt kiệt sức trẻ của họ. Còn các thiếu nữ sẽ tìm được việc gì ngoài việc phụ bàn ở các quán ăn, giúp việc trong gia đình và nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng họ sẽ xa vào tay những kẻ buôn người khiến nhân phẩm bị chà đạp, tổn hại.

16g30 chúng tôi rời Thanh Hoá và về đến Hà Nội lúc 19g20, sau quãng đường 140km để kịp ngày mai đi thăm giáo phận Hải Phòng.

4. Ngày 3-10-2005, từ 7g-8g, chúng tôi cùng bàn luận về việc đào tạo nhân sự, nhất là cho các vùng bị lũ lụt, với Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Gp. Hà Nội. Sau đó chúng tôi đến Nhà Xuất bản Tôn Giáo làm việc với các viên chức ở đây để chuẩn bị in tập Daily Gospel cho các Bạn trẻ trong năm “ Sống Lời Chúa” của Giáo hội Việt Nam.

10g30 chúng tôi bắt đầu đi Hải Phòng cách Hà Nội 120km để gặp Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên. 12g30, chúng tôi đến Toà Giám mục và nghe Đức cha cho biết những thông tin về thiệt hại của giáo phận Hải Phòng. Nhiều vùng ven biển bị nước mặn tràn vào khi những tuyến đê bị vỡ, nhiều nhà cửa ở vùng ven biển bị đổ nát hư hại, các đồng lúa bị ngập mặn. Khi chúng tôi đến đây giáo phận chưa có con số tổng kết, vì 14g cùng ngày, đại diện các xứ đạo vùng bão mới tụ về Toà Giám mục để báo cáo tình hình. Tuy nhiên, chúng tôi phải rời Toà Giám mục lúc 13g30 để về Hà Nội cho kịp chuyến bay muộn vào lại Thành phố Hồ Chí Minh.

 16g30 chúng tôi đến chào thăm Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, năm nay đã 86 tuổi, và ngài rất quan tâm đến các công việc của HĐGM VN cũng như lo lắng cho các nạn nhân bão lụt.

Chúng tôi không thể lên thăm xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được vì cách Hà Nội tới 300 km và Đức cha giáo phận Hưng Hoá lại đang ở Cần Thơ để lo tang lễ cho linh mục Antôn Nguyễn Hữu Văn. Lũ quét đã gây nên thiệt hại lớn lao với 51 người chết và một số nhà cửa bị đổ nát, ruộng vườn bị hư hại. HĐGM VN và UB BAXH đã gửi tiền cứu trợ cho Đức cha Antôn Vũ Huy Chương để giúp đỡ các nạn nhân.

21g30, ngày 3-10, đoàn về đến TP.HCM. Chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho các nạn nhân, kẻ chết cũng như người sống, được Người Mẹ Mân Côi chuyển cầu đặc biệt trong tháng này.

Dù HĐGM VN không có nhiều tiền bạc hay phương tiện vật chất, nhưng với ơn Chúa, chúng ta vẫn hy vọng tìm ra những giảp pháp cứu trợ hữu hiệu và phục hồi nhanh chóng cho đồng bào thân yêu, nếu mỗi người chúng ta rộng mở tấm lòng nhân ái và bàn tay quảng đại. Những nụ cười và ánh mắt trong sáng của các em bé ở họ Phương Mộ, xứ Đa Phạn, giáo phận Thanh Hoá, như  muốn nhắn gửi chúng ta điều đó.

 

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

TOP

 

 

PHƯƠNG HƯỚNG CỨU TRỢ NẠN NHÂN VÀ TÁI THIẾT CÁC VÙNG BÃO LỤT

      

Đ

ứng trước những thiệt hại lớn lao về cả vật chất lẫn tinh thần do cơn bão số 7 (Damrey) gây nên, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM VN) và Uỷ ban Bác ái Xã hội (UB BAXH) thuộc HĐGM VN ý thức về khả năng có hạn của mình nên đã kêu gọi cộng đồng Công giáo hoà nhập với cả nước và cộng đồng quốc tế, nhằm tìm ra những phương hướng để cứu trợ kịp thời các nạn nhân và phục hồi nhanh chóng các vùng bị bão lụt.

1. Tổng kết các thiệt hại.

Theo tổng kết của Ban Chỉ đạo Phòng chống Bão lụt Trung ương, thiệt hại về vật chất do cơn bão số 7 lên tới 3.393 tỷ đồng: chủ yếu do nhà cửa bị đổ, đường xá bị phá hỏng, hoa màu hư hại, các ao đầm nuôi thuỷ sản bị vỡ (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 3-10-2005, tr.1).

        Hơn 84.000 căn nhà bị đổ, trôi, ngập, hư hại; hơn 2.000 phòng học, trạm xá, bệnh viện bị hư hại hay đổ sập; hơn 300.000 hecta lúa, hoa màu bị ngập; hơn 250.000 m3 đất đá, đường giao thông bị sạt lở; trên 21.000 hecta hộ ao nuôi trồng thuỷ sản bị vỡ (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 1-10-2005, tr.7).

Lũ quét ở huyện Văn Chấn, Yên Bái thiệt hại khoảng 96 tỷ đồng (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 3-10-2005, tr.1). Lũ quét sáng ngày 5-10 ở các sông Bình Thuận cũng làm nhiều nhà cửa, hoa màu bị ngập. Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long năm nay cũng đã làm cho 3.907 căn nhà bị ngập, 251 km tỉnh lộ, lộ nông thôn bị ngập, hư hỏng (x. Báo tuổi Trẻ, ngày 6-10-2005, tr.3).

Số người chết trong các thiên tai này, tuy không nhiều nhưng cũng đáng chúng ta phải chú trọng đề phòng, nhất là do lũ quét: 61 người chết do cơn bão số 7 gồm 51 người ở Yên Bái, 2 người ở Hoà Bình, 2 người tại Lào Cai, 3 người tại Phú Thọ, 3 người tại Nghệ An (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 1-10-2005, tr.7). Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm cho 34 người chết đuối, đa số là các trẻ em, do gia đình bất cẩn (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 6-10-2005, tr.1)

2. Hướng cứu trợ và phục hồi.

2.1. Cứu  trợ hiệu quả

Đứng trước những thiệt hại nặng nề, chính quyền địa phương và trung ương đã cố gắng cứu trợ kịp thời các nạn nhân, nhất là những gia đình neo đơn, nghèo khổ để không ai bị chết đói. Trong những ngày mưa bão, không có điện, nước, các dân vùng biển đã được phát mì gói để ăn: có nơi được 4 gói/người, có nơi 3 gói/người. Nhưng với số dân hàng chục ngàn người mỗi xã, có nơi hàng trăm ngàn người mỗi huyện, số mì gói không thể nào kiếm được ngay, nên có những người dân địa phương đã bị đói. Chính tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã khiến cho những người dân biết chia xẻ cơm bánh cho nhau. Trong tinh thần đó UB BAXH/HĐGM VN đã dốc hết quỹ cứu trợ để kịp thời đem đến cho các vùng bão hơn 100 tấn gạo.

Ngày 4-10-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định số 1053/QĐ-TTg để xuất 3.070 tấn gạo dự trữ quốc gia cho các tỉnh sau: Thanh Hoá 1.380 tấn, Nam Định 850 tấn, Hải Phòng 420 tấn, Ninh Bình 120 tấn, Yên Bái 120 tấn, Phú Thọ 90 tấn, Nghệ An 30 tấn, Hà Tĩnh 30 tấn (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 5-10-2005, tr.1). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chính quyền địa phương có thực hiện đúng để đưa số gạo này đến tận tay dân nghèo, người đói hay lại bị “thất thoát” như đã từng xảy ra trong các đợt thiên tai trước đây, mà báo chí đã nhiều lần nhắc đến.

Hơn nữa khi đoàn chúng tôi đến thăm các nơi bị lũ lụt, chúng tôi có gửi một số gạo cứu trợ và đề nghị các vị có trách nhiệm không phân biệt đối xử giữa những người có đạo hay không có đạo, nhưng tất cả cần được cứu giúp như nhau, dù rằng trong một số vùng người Công giáo không được giúp đỡ như những người khác.

Để cứu trợ hiệu quả có lẽ cũng cần phân loại các nạn nhân: có những người đói thật sự cần gạo như những nông dân hoàn toàn mất trắng mùa màng, những người làm thuê, làm mướn trong các vùng nuôi trồng thuỷ sản, nhưng cũng có những người chẳng đói khổ gì vì họ là những người chủ của các ao tôm, vuông cua có giá trị hàng chục - hàng trăm triệu đồng. Họ ở các thị xã, thành phố, có tài sản,  nhưng có khi lại được cấp phát nhiều hơn do quen thân với chính quyền địa phương. Con ma tham nhũng vẫn đe doạ ngay cả trong cơn hoạn nạn và các việc làm có vẻ hoàn toàn tốt đẹp này. Chúng tôi nói lên điều này để kêu gọi công lý cho những con người thật sự đói khổ chứ không có ý bôi nhọ chính quyền. Nếu được cứu trợ hiệu quả trong tinh thần lá lành đùm lá rách của tình nghĩa đồng bào, chúng ta sẽ có thể biến những tang thương này thành một dịp tốt để đoàn kết toàn dân tộc, chẳng phân biệt lương giáo - giàu nghèo.

Hơn nữa công cuộc cứu đói này không chỉ nhất thời với dăm ngày vài tuần, mà đối với một số người có thể kéo dài hàng năm vì một khi đồng ruộng nhiễm mặn, mất mùa liên tiếp sẽ xảy ra. Thế nên, địa phương lại cần phải phân loại kỹ càng hơn các mức độ thiệt hại, chứ không thể cấp phát bình quân theo đầu người trong danh sách như một vài nơi đang làm. Chúng tôi lưu ý điều này đối với các nhân viên xã hội của giáo phận và giáo xứ.

2.2. Phục hồi nhanh chóng.

Để phục hồi các địa phương bị thiệt hại, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định trích 284 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương để hỗ trợ các công tác khắc phục thiệt hại như hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, xử lý môi trường, khôi phục sản xuất… Cụ thể chia ra như sau: Nam Định 80 tỷ, Thanh Hoá 55 tỷ, Hải Phòng 30 tỷ, Yên Bái 20 tỷ, các tỉnh khác như Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Cạn, Bắc Giang, Hoà Bình từ 3-15 tỷ. Bộ giao thông vận tải cũng được hỗ trợ 10 tỷ đồng để khắc phục các tuyến quốc lộ bị sạt lở do bão lụt gây ra (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 5-10-2005, tr. 13). Chúng tôi cầu mong cho số tiền lớn lao này được phân phối công bình cho những người bị nạn.

Ngoài những thiệt hại vật chất, đợt bão lụt lần này có thể gây ra những biến động về dân số, đặc biệt nhất là tại các vùng quê nghèo của giáo phận Bùi Chu, Thanh Hoá. Chúng ta đã thấy trong những năm gần đây, số người bỏ vùng quê lên tỉnh hoặc di dân tạm thời đến các thành phố lớn như: Hà Nội, Tp. HCM và các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai rất lớn. Nhiều xứ đạo vắng bóng thanh niên nên các sinh hoạt giáo lý, ca đoàn bị ảnh hưởng. Nay với cơn bão này, đồng ruộng nhiễm mặn phải mất từ 4 đến 5 năm mới hồi phục bằng lượng nước ngọt rửa mặn tự nhiên, như  thế người nông dân thường để hoang hoá. Thanh niên sẽ thất nghiệp, bỏ làng quê đi xa. Muốn giữ chân họ lại thì phải phục hồi nhanh chóng đồng ruộng bằng nhiều phương pháp, cụ thể là dùng hoá chất, nhưng phương cách này đòi hỏi chi phí rất lớn, nếu không có sự trợ giúp của chính phủ hay các tổ chức quốc tế thì người nông dân nghèo nơi đây không thể thực hiện được.

Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc trang bị những kiến thức và nghề nghiệp cho những người nông dân để họ ổn định đời sống tại chỗ. Tuy nhiên, những vùng như Bùi Chu, Thanh Hoá hầu như không có nhà máy hay xí nghiệp để thu hút công nhân. Hơn nữa người dân địa phương không quen làm nghề phụ như đan chiếu cói, làm nghề thủ công như dân cư ở vùng Phát Diệm. Bài toán phục hồi kinh tế này đòi hỏi một sự nỗ lực lớn lao của chính quyền và của người dân địa phương như  khuyến khích việc nuôi trồng thuỷ sản ở vùng gần biển và đào tạo các nghề phụ theo dạng thủ công mỹ nghệ. Các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên có thể trở thành những người cổ vũ cho các chương trình này để giúp người dân thăng tiến đời sống và phát triển cộng đồng thay vì dồn hết công của sức lực xây dựng những ngôi nhà thờ họ, chỉ cách nhà thờ chính vài trăm mét như một số xứ đạo ở vùng này.

        Chúng tôi cũng nghĩ đến việc trang bị những kiến thức và nghề nghiệp cho những người muốn di cư lập nghiệp ở những vùng đất mới. Các địa phương, cụ thể là các giáo xứ, họ đạo có thể phối hợp với các giáo phận để chuẩn bị cho các người muốn di dân biết những thách đố họ phải đương đầu cũng như nguy hiểm họ phải tránh né khi vào các đô thị lớn, nhất là các thiếu nữ, để họ tránh được tình trạng bóc lột và lạm dụng, kể cả lạm dụng tình dục.

3. Giáo hội Việt Nam có thể làm gì cho các nạn nhân bão lụt.

Dù với những phương tiện nhỏ bé nhưng HĐGM VN, qua UB BAXH, đã kêu gọi mọi người cùng cộng tác giúp đỡ các nạn nhân bão lụt theo 3 cấp độ sau:

3.1. Cứu trợ khẩn cấp.

HĐGM VN đã trích hết quỹ Thứ Sáu Tuần Thánh do các tín hữu trong nước đóng góp để cứu trợ ngay những người gặp thiên tai, trong cũng như ngoài nước, nhằm nói lên tinh thần hiệp thông và liên đới. Trong tháng vừa qua HĐGM VN đã cứu trợ nạn nhân của cơn bão Katrina, ở Hoa Kỳ số tiền là 30.000 USD, lũ quét ở Buôn Ma Thuột 100 triệu đồng và hơn 100 tấn gạo (trị giá 420 triệu) cho 5 giáo phận: Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hoá, Hải Phòng, Hưng Hoá. Tổng cộng là 1 tỷ đồng. Chắc chắn sẽ còn những thiên tai cũng như nhiều nạn nhân cần cứu giúp ở đồng bằng sông Cửu Long, Bình Thuận hay ở Miền Trung trong những tháng tới theo dự báo hàng năm. Chúng ta hy vọng nhiều nhà hảo tâm sẽ đóng góp cho quỹ cứu trợ này.

UB BAXH khẩn thiết xin các Ban Bác ái Xã hội giáo phận hãy cứu giúp các nạn nhân với tinh thần quảng đại, không phân biệt lương giáo và chọn đúng đối tượng, là những người thật sự nghèo khổ nhân danh tình đồng bào và tình yêu Chúa Kitô để công việc cứu trợ đạt hiệu quả cao nhất. Uỷ ban cũng xin Hội đồng Mục vụ Giáo xứ quan tâm đặc biệt đến những hộ đói nghèo cần được cứu trợ lâu dài.

3.2. Giúp đỡ phục hồi

Đợt lạc quyên trên toàn quốc trong tháng 10-2005 và sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, nếu có, sẽ được dùng để giúp đỡ các nạn nhân phục hồi đời sống. Việc này nhằm vào các công tác sau:

- Cấp phát những vật dụng cần thiết cho cuộc sống: quần áo, chăn mền, thuốc men…

- Hỗ trợ mua sắm một vài phương tiện sản xuất trực tiếp: cày, cuốc, cây giống, con giống, lưới, thuyền đánh cá nhỏ…

- Hỗ trợ xây dựng một số công trình cần thiết: nhà thờ, nhà xứ, trường học, bệnh viện, trạm xá… bị thiệt hại vì bão lụt.

       - Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cửa cho những hộ nghèo khổ, neo đơn.

UB BAXH ước mong Ban BAXH giáo phận phối hợp với nhiều Uỷ viên xã hội của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ làm các dự án, lập danh sách các nạn nhân với mức độ thiệt hại một cách chi tiết để hỗ trợ cho bước thứ 2 này.

3.3. Hỗ trợ tái thiết và phát triển

Sự đóng góp từ cuộc lạc quyên và sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện nước ngoài gửi đến HĐGM VN, nếu có, sẽ được chi dùng cho công tác tái thiết và phát triển bao gồm:

- Đào tạo các nhân viên xã hội cho các giáo phận để các người này truyền đạt lại cho dân chúng địa phương ý thức về thăng tiến cá nhân, phát triển cộng đồng, chuẩn bị cho những người di dân kiến thức về đời sống mới, vay vốn tín dụng …

- Hỗ trợ việc đào tạo tay nghề tại các địa phương để nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi, làm thủ công mỹ nghệ…

- Hỗ trợ việc đào tạo tay nghề cho người muốn di dân đến các khu công nghiệp hay vào các thành phố lớn bằng cách phối hợp với các tổ chức dạy nghề để hỗ trợ học phí, tìm chỗ ăn ở an toàn cho các bạn trẻ, nhất là thiếu nữ. Theo ước tính, nếu 1 người được hỗ trợ học phí + sinh hoạt phí khoảng 20USD/1 tháng và học trong 6 tháng thì tốn khoảng 120USD/người với các ngành như: điện công nghiệp, điện lạnh, điện dân dụng, may công nghiệp… thì họ có thể được giới thiệu cho các công ty hoặc xí nghiệp. Tuy nhiên, đây là một công trình lớn cần sự cộng tác của nhiều người và các tổ chức quốc tế. Giáo phận hay giáo xứ có thể lên danh sách những người muốn di cư thật sự thành một dự án 50 hay 100 người để xin trợ cấp.

- Hỗ trợ việc khử mặn nơi các đồng ruộng để phục hồi nhanh chóng việc sản xuất cho người nông dân như một biện pháp giữ chân họ ở lại để canh tác, hạn chế tình trạng hoang hoá. Công trình này đòi hỏi nguồn tài chính lớn lao.

- UB BAXH trung ương sẽ phối hợp với Ban BAXH giáo phận thực hiện 1 cuốn cẩm nang cho người di dân.

- Hỗ trợ các buổi sinh hoạt gặp gỡ các nhóm di dân đồng hương, đồng giáo phận hoặc cùng ngành nghề tại các giáo xứ nơi họ đến ở, để tạo sự liên đới qua việc tham vấn tâm lý, trao đổi hay tạo sân chơi giải trí (xem phim, xem sách báo…) cho các người di dân để họ tránh xa và khỏi rơi vào các tệ nạn xã hội như : cờ bạc, nghiện rượu, nghiện ma tuý, mãi dâm… Công việc này rất cần sự liên kết giữa các linh mục, tu sĩ ở các xứ đạo nơi có nhiều người di dân nhập cư như cho mượn các phòng sinh hoạt tại xứ đạo để các tình nguyện viên thuộc UB BAXH đến sinh hoạt với các bạn trẻ.

- Hỗ trợ những người di dân gặp khó khăn như không có việc làm, gặp tai nạn nghề nghiệp, bị hoang thai…

      

Kính thưa Quý Đức cha và Quý vị,

Trên đây là bản tường trình tổng quát và tạm thời của Đoàn chúng con sau khi gặp gỡ và bàn thảo với các giáo phận bị bão lụt để đề ra một vài đường hướng cứu trợ và tái thiết. Chúng con sẽ cố gắng nghiên cứu sâu xa hơn để biến thành những hoạt động cụ thể nhằm trợ giúp và mưu ích cho các nạn nhân.

Kính chúc Quý Đức cha và Quý vị luôn an mạnh, tràn đầy ơn Chúa và cũng xin cầu nguyện cho chúng con.

Kính thư,

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

 

TOP

 

 

XIN CỨU TRỢ NẠN NHÂN BÃO Số 7 tại Việt Nam

 

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

 UỶ BAN BÁC ÁI XÃ HỘI

 72/12 Trần Quốc Toản. P.8, Q.3, TP.HCM

 Email: ubbaxh_vn@hcm.vnn.vn

 ĐT: 08.8208716

 VT. số 38/05/VT/UB BAXH                            Việt Nam, ngày 28-9-2005 

 

 

       Anh chị em thân mến,

     

       Đất nước chúng ta bắt đầu vào mùa bão tố hàng năm thường từ tháng 8 đến tháng 12. Chưa khắc phục được những thiệt hại từ cơn bão số 6 vừa qua, chúng ta lại phải đối mặt với những thiệt hại to lớn do cơn bão số 7 đã đổ vào một số tỉnh ven biển, từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh, ngày 27-9-2005 . Đây có thể nói là cơn bão mạnh nhất trong 9 năm qua với sức gió lên tới cấp 12. Nhờ đã chuẩn bị trước với sự tích cực phòng chống của toàn dân nên thiệt hại về nhân mạng tương đối ít. Tính đến 23g ngày 27-9, có 5 người chết 13 người bị thương. Tuy nhiên số thiệt hại về vật chất lại rất lớn do đê điều bị vỡ ở một số nơi, nước biển tràn đồng, hàng chục ngàn mẫu ruộng mất trắng và phải tẩy mặn nhiều năm sau. Nhiều nhà cửa, trường học, cơ sở, đường xá bị tàn phá hư hại. Hàng chục ngàn người lâm cảnh đói khổ, màn trời chiếu đất, thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.

       Đứng trước thảm cảnh của đồng bào không ai trong chúng ta lại không xót xa và cố gắng tìm mọi phương cách cứu giúp, chia sẻ đau thương với các nạn nhân cũng như giúp đỡ nhau ổn định lại cuộc sống.

       Vì vậy Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM VN) và Uỷ ban Bác ái Xã hội (UB BAXH) thuộc HĐGM VN thiết tha kêu gọi anh chị em tín hữu khắp nơi cũng như các thành viên thuộc Uỷ ban các cấp từ giáo xứ, giáo phận đến trung ương hãy tích cực góp công góp của cùng với đồng bào cả nước, không phân biệt lương giáo, cứu giúp anh em đồng bào nạn nhân bão lụt. Nhân đây một lần nữa, chúng tôi xin cám ơn anh chị em đã quảng đại giúp đỡ nạn nhân sóng thần ở các nước Đông Á và Nam Á trong tháng 12-2004.

       Trong tinh thần đó, HĐGM VN chính thức mở cuộc lạc quyên trong suốt tháng Mười, tháng Đức Mẹ Mân Côi, để xin Đức Mẹ chuyển cầu cho các nạn nhân. HĐGM VN cũng gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân đã bị chết trong cơn bão vừa qua.

       Số tiền và phẩm vật thu được xin gửi về các Ban Bác ái Xã hội Giáo phận để các ban này chuyển về UB BAXH thuộc HĐGM VN,

 

địa chỉ: 72/12 Trần Quốc Toản, F.8, Q.3, Tp.HCM.

Điện thoại: 08 8208716.

Các ngân phiếu xin gửi về Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký UB BAXH, theo tài khoản ngân hàng sau đây.

 

(đối với người trong nước, tiền đồng Việt Nam):

Ngân hàng:   Vietcombank, chi nhánh Bến Thành

Chủ tài khoản:       Nguyễn Ngọc Sơn

Số tài khoản:          007 1002360855

Cif:                        1088791

 

(đối với người nước ngoài)

Bank:           Vietcombank

Bank for Foreign Trade of Vietnam

Hochiminh City Branch

Address: 29 Ben Chuong Duong Str. Dist.1

Hochiminh City, Vietnam

Tên:   Nguyễn Ngọc Sơn

Address 1B Ton That Tung, Dist 1, HCM City Vietnam

 

Account number    USA: 007137 2360 874

                             Euro: 0071142360889

Cif:                       1088791

SWIFT CODE:     BFTVVNVX 007

CHIPS UID:                    CH 343773

 

       Chúng tôi xin Chúa ban thưởng cho lòng quảng đại của anh chị em. Cầu chúc anh chị em luôn an mạnh, dồi dào ơn Chúa và sẵn sàng ra đi phục vụ những người yếu kém như Người Mẹ Thánh của chúng ta khi đến nhà Ông Bà Dacaria (Lc 1,39-45).

       

       Kính thư,                                                                                                                                                                      

                                                                                            

 

                    

 

 

+  Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan                + Gm. Phaolô Nguyễn Văn Hoà

 

Chủ Tịch UB BAXH                                                         Chủ Tịch HĐGM VN

 

 

 

TOP

 

 

 

BẢN ĐÚC KẾT HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN LẦN THỨ 26 CỦA

 

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

 

Từ ngày 5 đến 9 tháng 9 năm 2005 tại Bãi Dâu,Vũng Tàu, Giáo phận Xuân Lộc

      

       Hội nghị Thường niên của Hội đồng Giám mục năm 2005 tổ chức tại Bãi Dâu, Vũng Tàu, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là lần thứ hai, các Giám mục được quy tụ dưới sự chúc phúc của Thánh Tâm Chúa và Đức Mẹ Bãi Dâu. Đây cũng là Hội nghị thường niên lần thứ 26 kể từ khoá họp đầu tiên vào năm 1980.

       Hội nghị diễn ra dưới sự chủ toạ của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, Giám mục Giáo phận Nha Trang, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Tham dự Hội nghị lần này có Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, hai Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế và Hà Nội và 24 Giám mục đến từ 24 Giáo phận trên toàn quốc. Tất cả là 27 thành viên.

       Năm nay thiếu vắng Đức cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, đang chữa bệnh ở nơi xa, và Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng, Giám mục Phụ tá Giáo phận Hà Nội cũng không về dự Hội nghị vì lý do tuổi tác. Đức Hồng y Phaolô Maria Phạm Đình Tụng và 11 Đức cha hưu mặc dầu đã được mời tham dự Hội nghị, nhưng đã không đến đuợc vì tuổi già và đau yếu, chỉ trừ Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, Giáo phận Vĩnh Long, có ghé thăm Quý Đức cha tại Vũng Tàu vào sáng ngày 6 tháng 9. Đức cha Chủ tịch thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi thư thăm các Đấng vắng mặt để tỏ tình hiệp thông huynh đệ và xin các Đấng dâng những hy sinh do chịu đựng đau yếu của mình để cầu nguyện cho Hội nghị và cho Giáo Hội Việt Nam.

       Trước khi Hội nghị diễn ra, Ban Thường Vụ đã gửi thư cho Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, trước là mừng Ngài trong triều đại mới, sau là để tỏ tình liên đới vâng phục vị đại diện Chúa Kitô ở trần gian, đồng thời báo tin cho Ngài hay về Hội nghị thường niên để xin Ngài cầu nguyện và chúc lành.

       Ban Thường Vụ cũng gửi thư cho Đức Hồng y Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Thánh bộ Truyền giảng Phúc Âm, để tin cho Ngài biết về Hội nghị và để tỏ tình hiệp thông liên đới với Toà Thánh.

       Vào lúc 16g00 ngày 5 tháng 9 năm 2005, Ban Thường Vụ mở rộng nhóm họp để thông qua chương trình nghị sự và thời khoá biểu của Hội nghị. Lúc 18g00, toàn thể các thành viên vào nhà nguyện đọc Kinh Chiều, Chầu Thánh Thể và hát kinh Chúa Thánh Thần, xin Chúa ban ơn cho Hội nghị thành công tốt đẹp.

       Lúc 20g00 cùng ngày, các tham dự viên bắt đầu họp phiên đầu tiên, sau khi Đức cha Tổng Thư ký giới thiệu chương trình, Đức cha Chủ tịch ngỏ lời khai mạc Hội nghị. Năm nay Hội nghị vui mừng đón tiếp hai thành viên mới là Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, tân Giám mục Giáo phận Xuân Lộc và Đức cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Giám mục Phụ tá Giáo phận Huế.

       Ngày 6 tháng 9, ông Ngô Yên Thi, Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ cùng với đoàn từ Trung ương và đoàn đại biểu gồm các vị lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Vũng Tàu đến thăm và chúc Hội nghị thành công. Nhân dịp này Đức cha Chủ tịch đã cám ơn chính quyền Trung ương và địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng Giám mục họp lần thứ 2 tại Bãi Dâu, Vũng Tàu, một thành phố giàu đẹp vào hạng nhất nước. Thay mặt cho đoàn, Ông Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ có lời chào mừng các thành viên trong Hội đồng Giám mục và chúc Hội nghị đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.

       Sau khi tiếp đoàn, Hội đồng Giám mục lắng nghe báo cáo của Ban Thường Vụ. Đức cha Chủ tịch nói về lễ An táng của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II mà ngài đã tham dự. Sau đó ngài đề cập đến tai ương sóng thần ở Đông Nam Á, đến trận bão Katrina vừa xẩy ra ở Hoa Kỳ làm thiệt hại rất nhiều về người và của, trong đó một số đông người Việt là nạn nhân. Sau cùng ngài đưa tin Đức Hồng y Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Thánh bộ Truyền giảng Phúc Âm sẽ sang thăm Việt Nam vào cuối tháng 11 năm nay. Tiếp đến Đức Hồng y Gioan Baotixita đề cập đến vấn đề di dân: một số rất đông tụ họp sinh sống ở vùng Sài Gòn, Xuân Lộc, không có cư trú hợp pháp và ít ai săn sóc. Ngài cũng đề cập đến di dân ở ngoại quốc và nhất là nhắc đến lợi ích thiêng liêng người di dân mang đến quê hương mới của mình do đức tin và truyền thống dân tộc. Đức cha Tổng Thư ký trình bày diễn tiến việc thành lập hồ sơ về vụ án phong chân phước cho Đức cha Phêrô Lambert de la Motte, Giám mục tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam. Đức Tổng Giám mục Phó Tổng Thư ký trình bày việc làm của ngài trong năm qua và chuyến đi thăm Ba Lan mới đây.

       Sau đó các giám mục thay phiên nhau chia sẻ cuộc sống của Giáo phận mình bằng cách nêu lên những điểm tiêu cực và tích cực. Những điểm tiêu cực cần phải khắc phục, sửa chữa, những điểm tích cực cần được phát huy và nêu gương sáng cho mọi người.

       Tình hình trong ba giáo tỉnh tương đối ổn định. Có một số nhu cầu chưa được đáp ứng nhưng hy vọng trong tương lai sẽ được giải quyết. Những điểm tích cực thì nhiều, như phong chức, thuyên chuyển các linh mục đã tăng hơn trước. Việc xây cất cũng khá thông thoáng. Sinh hoạt tôn giáo cũng trở nên bình thường, trang nghiêm, sốt sắng hơn.

       Nhất là có nhiều sinh hoạt tích cực diễn ra trong Năm Thánh Thể : học hỏi về Bí tích Thánh Thể, tổ chức Thánh lễ, Chầu Mình Thánh Chúa, rước kiệu….mang lại lòng sốt sắng cho giáo dân và cũng đem lại sự mộ mến cho bao người thiện chí. Theo gương tấm bánh được chia sẻ, người Công giáo quyết tâm cao trong việc thực thi bác ái : chia sẻ cơm áo, gạo tiền, tình thương, cảm thông, thăm viếng, ủi an, khích lệ làm cho những người khốn khổ cảm thấy bớt bất hạnh hơn.

       Qua báo cáo tổng kết tình hình 25 Giáo phận trong năm qua, mọi người cảm nhận sức sống trào dâng của Giáo hội Việt Nam, đặc biệt trong Năm Thánh Thể. Đúng như Đức Hồng y Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giảng Phúc Âm đã nhận xét: “Giáo hội Việt Nam mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và thử thách, nhưng là một Giáo hội năng động và chủ động.”

       Sau đó các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục nối tiếp nhau báo cáo những sinh hoạt trong năm qua và những dự kiến trong năm tới. Sau phần trình bày của mỗi Ủy ban, các Đức cha đã góp rất nhiều ý kiến xây dựng.

       Ủy ban Phụng tự và Nghệ thuật thánh cho biết bản dịch tiếng Việt phần nghi thức thánh lễ đã được Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích phê chuẩn. Ủy ban cũng đã soạn thảo và mong sớm hoàn chỉnh tập tài liệu hướng dẫn về nghệ thuật thánh dựa trên các quy định của Giáo luật và phụng vụ.

       Ủy ban Thánh nhạc cho thấy tiềm năng phong phú của nền thánh nhạc Việt Nam với rất nhiều bài thánh ca do các nhạc sĩ Công giáo sáng tác.

       Ủy  ban Loan báo Tin Mừng đã biên dịch tài liệu họp Liên Hội đồng Giám mục Á Châu về truyền giáo năm 2006, cuốn “Từ điển Truyền giáo”, cuốn “NhữngVạch Mốc cho sứ vụ Kitô giáo”.

       Ủy ban Bác ái Xã hội nói về công tác cứu trợ thiên tai bão lụt hạn hán nhất là nạn nhân động đất, sóng thần ở Đông Nam Á vừa qua. Ủy ban lưu ý việc đào tạo nhân sự cho các Giáo phận.

       Ủy ban Giáo lý và Đức tin đã hiệu đính xong quyển Giáo lý Hội Thánh Toàn cầu sau ba năm làm việc chung. Ủy ban sẽ dịch sớm nhất cuốn Toát Yếu Giáo lý dưới hình thức hỏi thưa để làm nền tảng quy chiếu cho việc soạn các sách giáo lý trong các giáo phận.

       Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh đã thống kê số chủng sinh niên khoá 2004-2005 trong 6 Đại Chủng Viện là 928 thầy.

       Ủy ban Văn hoá cho biết trong tháng 10 sẽ thực hiện một chuyến đi tìm di tích các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và xin các Giáo phận cho biết địa chỉ và sinh hoạt liên quan đến đức tin và văn hoá để có thể giới thiệu trong một tập sách của Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá.

       Ủy ban Tu sĩ trình bày về Đại hội Ủy ban Tu sĩ thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á Châu tổ chức lần đầu tiên ở Thái Lan với đề tài vai trò của người tu sĩ trong việc xây dựng Giáo hội địa phương tại Á Châu.

       Ủy  ban Giáo dân tường trình về việc phái đoàn Việt nam tham dự Đại hội Quốc tế Giới trẻ tháng 8 tại Đức vừa qua với ước mong sẽ tổ chức được một đại hội toàn quốc cho giới trẻ Việt Nam.

       Hội Thừa Sai Việt Nam được phục hồi sinh hoạt nội bộ từ năm 1999 vẫn tiếp tục cổ vũ ơn gọi, đào tạo nhân sự, hình thành những cơ chế tổ chức và sinh hoạt cho phù hợp với hoàn cảnh và môi trường sống. Hội đồng Giám mục sẽ chính thức đăng ký theo thể thức hiện hành để Hội Thừa Sai sinh hoạt bình thường.

       Sau phần báo cáo sống động và phong phú của 9 Ủy ban và của Giám mục đặc trách Hội Thừa Sai là phần báo cáo về các hội nghị và công tác ở nước ngoài trong năm qua.

       Đức Giám mục chủ tịch Ủy ban Giáo lý và Đức Tin trình bày về Đại hội Kinh Thánh Châu Á và Châu Đại Dương (14 -18/02/2005) và khoá làm việc của Liên hiệp Kinh Thánh Đông Nam Á (19 - 21/02/2005) do Liên Hiệp Kinh Thánh Thế Giới (CBF) phối hợp với liên hiệp các Hội Đồng Giám mục Á Châu (FABC) tổ chức tại Philippines với chủ đề : “Lời Thiên Chúa: Niềm Hy vọng sống động và nền Hoà bình bền vững”.

       Đức Giám mục Chủ tịch HĐGM nói về Hội nghị do Văn phòng Đại kết và Liên tôn (OEIA) của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) tổ chức tại Pattaya, Thái Lan từ 1 - 6/8/2005 về đề tài : “Những thách đố cho sự hợp nhất Kitô Giáo”. Nội dung của Hội nghị tập trung vào những tương quan với những giáo hội và cộng đoàn tín hữu bấy lâu nay chưa tham gia vào những hoạt động Đại kết. Hội nghị kết thúc bằng việc nhắc lại một gợi ý của ĐTC Gioan Phaolô II: sự hoán cải nội tâm là cần thiết nếu chúng ta muốn đi ra để đến với người khác.

       Đức Giám mục Hải Phòng trình bày về Khoá họp Đại Kết nhân dịp kỷ niệm 40 năm công bố sắc lệnh Unitatis Redintegratio, từ 11 - 13/11/2004 do Hội đồng Toà Thánh cổ vũ sự hợp nhất các tín hữu Kitô tổ chức tại Rôma.

       Hội nghị cũng nghe báo cáo về việc Văn phòng Truyền thông xã hội trực thuộc Liên Hội đồng Giám mục Châu Á đã tổ chức Hội nghị Giám mục về Các Tổ chức Truyền thông xã hội lần thứ 5, từ 22 - 27/11/2004 tại Bali, Indonesia với chủ đề “Đối thoại Liên tôn như một sự truyền thông”.

       Hội nghị đã dành nhiều thời gian để cùng đọc lại và hoàn chỉnh Thư Mục vụ “Sống Lời Chúa” nhân kỷ niệm 40 năm Hiến Chế Tín lý của Công đồng Vatican II về Mặc Khải. Với thư Mục vụ này, HĐGM muốn ôn lại giáo huấn của Công đồng về Lời Chúa và cùng suy nghĩ về những phương cách sống Lời Chúa trong hoàn cảnh cụ thể của Giáo hội Việt Nam hôm nay.

       Hội nghị cũng chọn đề tài cho Thư Mục vụ năm tới là : “Sống đạo trong xã hội hôm nay”. Giáo tỉnh Huế chịu trách nhiệm soạn thảo thư này với sự cộng tác của các Giáo phận khác. Địa điểm họp Hội nghị năm 2006 dự kiến tại Huế.

       Năm nay kỷ niệm 45 năm thành lập HĐGM VN, Hội nghị đã dâng lễ tạ ơn vào sáng 9/9/2005 để cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam luôn vững tin vào ơn phù trợ của Chúa và Mẹ Maria trong mọi hoàn cảnh.

      

      

       Như mọi năm, Văn phòng Thư ký báo cáo về cuốn Niên Giám, về bản tin Hiệp Thông.

       Trong bữa ăn trưa cuối cùng, ĐHY TGM giáo phận TP. HCM đã thay mặt HĐGM nói lời cám ơn sâu xa đối với Đức cha Chính và Đức cha Phụ tá Giáo phận Xuân Lộc, cha Giám đốc Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu cùng các thầy và các nữ tu dòng Thánh Phaolô đã vui vẻ phục vụ suốt tuần lễ vừa qua.

       Lúc 16g00 ngày 9/9/2005, các thành viên của Hội nghị đã vào Nhà Nguyện để cùng nhau tạ ơn Chúa qua giờ Chầu Thánh Thể. Các thành viên Hội nghị hết lòng cám ơn mọi thành phần Dân Chúa đã cầu nguyện cho Hội nghị được tốt đẹp như lòng Chúa mong ước.

       Xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho mọi người và ban ơn soi sáng để mọi người biến những nghị quyết của Hội nghị thành những biểu hiện đức tin và lòng mến trong cuộc sống chứng nhân của mình.

   

 

Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, Vũng Tàu

          Ngày 9/9/2005

 

+ Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn

          Tổng Thư ký HĐGM VN

 

TOP